Nếu bạn là một người lãng mạn quá mức, có lẽ bạn có quan điểm lý tưởng hóa về tình yêu. Bạn có xu hướng nghĩ về các mối quan hệ như những câu chuyện tình lãng mạn giống như trong truyện cổ tích và tìm kiếm tri kỷ của mình trong mỗi người mà bạn từng quen. Bất kể những dấu hiệu cảnh báo về một mối quan hệ không lành mạnh hay các trải nghiệm trong quá khứ có thể gợi ý điều ngược lại, bạn thực sự tin rằng cuối cùng, tình yêu sẽ chiến thắng tất cả.
Sabrina Romanoff, nhà tâm lý học lâm sàng và giáo sư tại Đại học Yeshiva, cho biết: “Những người lãng mạn quá mức đeo chiếc kính màu hồng vì niềm khao khát yêu và được yêu khiến họ có cái nhìn mơ mộng về người đang bên cạnh mình, thay vì nhìn vào thực tế”.
Claudia de Llano, một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình được cấp phép, và là tác giả cuốn "Bảy số phận của tình yêu", cho biết, sự dự đoán về tình yêu này thường không dựa trên chiều sâu của sự thân mật và kết nối - vốn thường khá phi lãng mạn - mà thay vào đó là theo đuổi câu chuyện cổ tích về tình yêu.
Trở thành một người lãng mạn quá mức có thể bao gồm những thăng trầm. Mặc dù điều đó có thể có nghĩa là bạn tiếp cận tình yêu và các mối quan hệ với sự tích cực và kỳ vọng, nhưng điều đó cũng có thể đồng nghĩa với việc bạn dễ bị tổn thương hoặc thất vọng nếu thực tế không như mong đợi của bạn.
Đặc Điểm Của Một Người Lãng Mạn Qúa Mức Là Gì?
Verywell / Dennis Madamba
- Bạn Có Quan Điểm Về Tình Yêu Giống Như Một Câu Chuyện Cổ Tích
Nếu bạn là một người lãng mạn quá mức, rất có thể bạn yêu thích những câu chuyện cổ tích và phim hài lãng mạn nơi các nhân vật có vẻ ngoài cuốn hút cùng gặp gỡ, chìm đắm vào tình yêu và sống hạnh phúc bên nhau đến mãi mãi về sau.
Tiến sĩ Romanoff cho biết, bạn có thể tưởng tượng về “hạnh phúc mãi mãi về sau” của mình trông như thế nào và bạn có thể hẹn hò như một phương tiện để tìm kiếm một người bạn đời phù hợp với hình mẫu trong tưởng tượng đó.
- Bạn Đầu Tư Vào Các Mối Quan Hệ Rất Nhanh Chóng
Khi bạn bắt đầu hẹn hò với ai đó, thay vì áp dụng cách tiếp cận hẹn hò chậm rãi, thận trọng, bạn có xu hướng dồn hết tâm sức của mình vào mối quan hệ này từ rất sớm.
Chẳng hạn như, theo Tiến sĩ Romanoff, bạn có thể nhận thấy mình đang mơ tưởng về một tương lai lâu dài cùng với người mà bạn chỉ mới hẹn hò được vài ngày. Tiến sĩ nói thêm: “Hoặc, bạn có thể dành nhiều thời gian để nghĩ về người đó, nhớ lại tất cả những gì họ nói và dự đoán trước tương lai — tất cả những điều đó tạo ra cảm giác gần gũi giả tạo và những xúc cảm mãnh liệt đối với người đó”.
- Bạn lý tưởng hóa đối tác của mình
Bạn đang tìm kiếm cho mình người bạn tâm giao; vì thế, mọi người bạn gặp đều có thể là “người duy nhất”.
De Llano cho biết, điều này có thể khiến bạn lý tưởng hóa đối phương của mình theo cách xa rời các trải nghiệm thực tế của bạn về họ nhưng lại giúp bạn đối phó được với những phẩm chất tiêu cực mà họ có.
Nếu bạn có xu hướng ‘thần thánh hóa’ đối phương theo cách mà bạn không thể với tới, thì rất có khả năng bạn là một người lãng mạn vô vọng”, de Llano cho hay.
- Bạn Cho Đi Quá Nhiều Trong Mỗi Mối Quan Hệ
Tiến sĩ Romanoff nói rằng, bạn có thể đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và năng lượng cảm xúc vào mọi mối quan hệ. Bạn cũng có thể chi rất nhiều tiền cho đối phương của mình, đưa họ đi những buổi hẹn hò đắt đỏ hoặc mua cho họ những món quà xa xỉ.
Tuy nhiên, điều đó có thể chỉ bắt đầu từ một phía nếu đối phương của bạn không cùng chung quan điểm, vì vậy bạn có thể phải cho đi nhiều hơn những gì mình nhận được.
- Bạn Bỏ Qua Những Dấu Hiệu Cảnh Báo Về Một Mối Quan Hệ Không Lành Mạnh
“Cờ đỏ” là những dấu hiệu cảnh báo rằng đối phương có thể không phải là người phù hợp với bạn. Tiến sĩ Romanoff giải thích, điều quan trọng là mọi người phải chú ý đến những dấu hiệu này nhằm tránh những đứt gãy nghiêm trọng trên con đường đi tìm tình yêu.
Tiến sĩ Romanoff cho biết, nếu bạn là một người lãng mạn vô vọng, bạn có thể bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo và nhắm mắt làm ngơ trước những khuyết điểm của người đó để bạn vẫn có thể tưởng tượng ra câu chuyện tình yêu trong cổ tích của mình. “Bạn quan tâm đến việc họ đóng vai như người bạn đời hoàn hảo của mình hơn là thực sự tìm hiểu về con người thật của họ.”
Trở Thành Một Người Lãng Mạn Quá Mức Có Phải Là Một Điều Tốt?
Trở thành một người lãng mạn quá mức có thể vừa là một điều tốt cũng vừa là một điều xấu.
Tiến sĩ Romanoff cho biết về mặt tích cực, việc trở thành một người lãng mạn quá mức có thể hữu ích vì việc mở lòng để đón nhận tình yêu đòi hỏi ở bạn khả năng dễ bị tổn thương một đáng kể. “Bất chấp những đau buồn và tổn thương trong quá khứ, những người lãng mạn quá mức vẫn nhìn thấy những điều tốt đẹp ở người khác và tin vào tiềm năng của họ.”
Tuy nhiên, mặt khác, việc có những kỳ vọng phi thực tế giống như trong truyện cổ tích là không lành mạnh vì một mối quan hệ không thể duy trì được điều này, de Llano nói. “Sự lý tưởng hóa không thực tế có thể có hại, vì nó khiến bạn không nhìn nhận được rõ ràng về mối quan hệ và đối phương.”
Nghiên cứu cho thấy những kỳ vọng không thực tế có thể gây hại cho sức khỏe tinh thần của bạn và dẫn đến mức độ hài lòng trong mối quan hệ thấp hơn.
“Mặc dù thái độ tích cực đối với các mối quan hệ là hữu ích, nhưng điều quan trọng là có khả năng nhìn nhận được mối quan hệ này mang tính động lực học theo cách không áp đặt những quan điểm, cảm xúc hoặc lý tưởng hóa phi thực tế lên nó.”
— CLAUDIA DE LLANO, NHÀ TRỊ LIỆU GIA ĐÌNH VÀ HÔN NHÂN ĐƯỢC CẤP PHÉP
Phải Làm Gì Nếu Bạn Là Một Người Lãng Mạn Qúa Mức
Các chuyên gia đề xuất một số chiến lược có thể hữu ích nếu bạn là một người lãng mạn quá mức:
- Đánh giá đối phương của bạn một cách toàn diện: Tiến sĩ Romanoff nói rằng điều quan trọng là phải suy nghĩ về những điều bạn thích, không thích và không chắc chắn ở đối phương tiềm năng. “Điều này giúp bạn phát triển cái nhìn toàn diện hơn về họ và buộc bạn phải xem xét những điều có thể khiến hai người không hợp nhau.”
- Biết rõ nhu cầu của bạn và đặt ra ranh giới: Tiến sĩ Romanoff đưa ra lời khuyên, hãy nhận thức rõ về bạn là ai, bạn muốn gì cũng như cách đối xử mà bạn sẽ và sẽ không chấp nhận trong một mối quan hệ, đồng thời đừng hạ thấp tiêu chuẩn hoặc phá vỡ ranh giới của mình vì bạn không muốn phải cô đơn và sợ rằng sẽ chẳng thể tìm được tình yêu. “Đừng chấp nhận sự đối xử dưới tiêu chuẩn của bạn để đổi lấy tình yêu đó.”
- Nhận ra điểm mạnh của bạn: “Hãy nỗ lực nhận ra những điểm mạnh, giá trị, bản sắc và cảm xúc của bạn để cảm thấy rằng bạn có khả năng chịu đựng tốt hơn tất cả những điều mà cuộc sống và các mối quan hệ ném vào bạn”, de Llano nhấn mạnh. Nhận ra được điểm mạnh của bản thân có thể giúp bạn không lý tưởng hóa một cách phi thực tế về đối phương hoặc theo đuổi các mối quan hệ chỉ để khỏa lấp nỗi cô đơn.
- Hãy xem xét liệu pháp: De Llano chia sẻ rằng, chúng ta thường lý tưởng hóa đối phương của mình vì chúng ta sợ bị tổn thương, cô đơn hoặc bị bỏ rơi. “Chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần có thể làm việc với bạn để khám phá lý do tại sao bạn có xu hướng đi chệch hướng với việc nhìn nhận những phẩm chất tiêu cực của đối phương, dạy bạn cách đối phó với những cảm giác sợ hãi hoặc bất an khó chịu và giúp bạn xây dựng những gắn bó lành mạnh hơn.”
Tác giả: Sanjana Gupta
Dịch giả: Hương Thu
Link bài gốc: 5 Signs You're a Hopeless Romantic
Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ
Theo tamlyhoctoipham.com