Nhà tâm lý học người Nga Vladimir Kirillovich từng có thí nghiệm thú vị. Ông đề nghị một học sinh mặc bộ quần áo khác lạ vào lớp. Học sinh này tưởng rằng nhiều bạn trong lớp sẽ cười nhạo mình nhưng chưa đến 1/4 số người trong lớp phát hiện ra. Đây là "Hiệu ứng tiêu điểm" trong tâm lý học.
Thực tế là chúng ta quan tâm quá nhiều đến những thứ liên quan đến bản thân, luôn cho rằng ánh mắt người khác đang tập trung vào mình và rơi vào trạng thái căng thẳng quá mức, khiến bản thân mệt mỏi.
"Sống trong mắt người khác còn tệ hơn sống trong lòng chính mình. Khi bạn đánh giá quá cao địa vị của mình trong lòng người khác, thậm chí đánh giá quá cao mối quan hệ của bạn với người khác, điều chờ đợi sẽ là nỗi thất vọng lớn", Vladimir Kirillovich từng nói.
Đừng đánh giá quá cao vị trí của bạn trong lòng người khác
Nhà văn Jack London đã viết trong tác phẩm "The Sea Wolf": "Mọi người đều coi mình như một viên kim cương, nhưng với những người khác, nó chỉ là một dạng khác của kim cương, đó là than chì". Chúng ta luôn lầm tưởng rằng mình khác biệt với người khác, nhưng lại không biết rằng trong lòng người khác, bạn không có gì đặc biệt.
Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill. Ảnh: msn.com
Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill kể một câu chuyện. Một lần, ông được đài BBC mời đến phát biểu nhưng xe đi được nửa đường bị hỏng máy. Churchill quyết định bắt taxi giữa đường. "Đến đài BBC", ông nói. Vị tài xế vội vàng từ chối: "Xin lỗi, vì nơi đó quá xa nhà tôi. Khi đưa ông đến đó, tôi sẽ bỏ lỡ buổi phát sóng trực tiếp bài phát biểu của Thủ tướng Churchill. Ông ấy là thần tượng của tôi. Tôi sẽ không bao giờ để lỡ buổi phát biểu quan trọng này".
Churchill cảm thấy rất xúc động nên rút ra 5 bảng Anh để tỏ lòng biết ơn của mình. Người lái xe lập tức thay đổi thái độ và quyết định đưa ông đến đài BBC. Vị cựu Thủ tướng ngạc nhiên, nhắc rằng anh ta còn phải nghe bài phát biểu nữa, nhưng người lái xe không quan tâm: "Bây giờ quý ngài đây quan trọng hơn ông ấy. Bài phát biểu không thể giúp cho tội phạm kinh tế gia đình tôi".
Khi đó Churchill hiểu rằng một số mối quan hệ rất mong manh, tưởng rằng không thể xuyên thủng nhưng thực ra rất dễ bị tổn thương. Ông nói, qua vụ việc này mới thấy điều quan trọng là con người phải hiểu rõ bản thân mình. "Đừng kỳ vọng quá nhiều vào bản thân và cũng đừng yêu cầu người khác coi trọng bạn. Nhìn thấy vị trí của chính mình và đặt mình vào đúng vị trí là trạng thái tâm trí mà chúng ta nên có".
Trên đời không có ai là không thể thay thế được
Nhạc trưởng người Mỹ- Walter Damrosch đã trở thành chỉ huy ban nhạc tuổi 20. Chàng trai trẻ đầy quyết tâm và nghị lực, luôn nghĩ mình có tài, là linh hồn của ban nhạc và là người không thể thiếu được.
Trong một buổi tập, Walter quên mang theo đũa nhạc trưởng. Anh định cử người về nhà lấy nhưng vị thư ký nói: "Không sao, chỉ là một chiếc đũa, mượn là có". Walter cảm thấy hơi kỳ lạ bởi ngoài mình ra thì ai mang đũa nhạc trưởng đi nữa. Nhưng anh vẫn hỏi và ngay khi dứt lời, ba cây đũa được mang lên. Chúng đến từ một nghệ sĩ cello, một người chơi piano và một người kéo violin. Lúc này, Walter chợt hiểu rằng, hóa ra anh không phải là nhân vật không thể thay thế. "Nhiều người đã làm việc trong bí mật và sẵn sàng thay thế tôi bất kỳ lúc nào", vị nhạc trưởng suy ngẫm.
Nếu quan sát kỹ, không khó để nhận thấy thực tế có nhiều người như vậy. Đừng nghĩ rằng chỉ bạn có tài năng và khó ai thay thế được mình. Thực tế là dù có vĩ đại đến đâu, không có bạn thì ngày mai mặt trời vẫn sẽ mọc và mọi việc vẫn diễn ra một cách bình thường.
"Trên đời không có ai là không thể thay thế được. Bạn cho rằng, không có bạn là không được nhưng với người khác, điều đó lại càng tốt. Bạn cho rằng bản thân quan trọng nhất, nhưng người khác coi đó là trò cười. Bạn càng coi trọng bản thân, kết quả sẽ chỉ khiến bạn thất vọng", Walter Damrosch đúc kết.
Đừng đánh giá quá cao mối quan hệ của bạn với người khác
Trong một mối quan hệ, càng cho đi nhiều thì kỳ vọng càng cao nhưng một số nỗ lực giống như đổ nước vào giỏ tre, đổ rất nhiều nhưng rồi chẳng lưu lại được gì. Có một số đầu tư giống như vớt mặt trăng trong đáy chậu, dù cố gắng nhưng tất cả chỉ là giấc mơ. Đối với quan hệ giữa các cá nhân, nên thiết lập một nguyên tắc, đó là tôn trọng lẫn nhau, thân thiết với nhau. Không cố ý theo đuổi một mối quan hệ nào đó, không đánh giá quá cao mối quan hệ với bất kỳ ai, đó là dấu hiệu cho thấy sự trưởng thành của con người.
Nam diễn viên Trung Quốc Trần Đạo Minh. Ảnh: chinanews.
Hạ thấp vị thế để tiến xa hơn
Những người được người khác coi trọng thường khiêm tốn, hạ thấp vị thế của mình.
Nam diễn viên Trung Quốc Trần Đạo Minh đầu năm 2020 trở thành từ khóa nóng trong các công cụ tìm kiếm tại đất nước tỷ dân. Mọi người đều bàn luận sôi nổi, nam diễn viên này vốn yên lặng đã lâu sao lại đột nhiên quay về trước mặt công chúng. Họ phát hiện ra Trần Đạo Minh vừa mới nhậm chức Chủ tịch Hiệp hội điện ảnh Trung Quốc. Theo đánh giá ông nhận được vinh dự này có thể nói là danh xứng với thực. Có người đã từng nói: "Anh ấy là người chỉ cần đứng ở một chỗ, không làm gì vẫn có thể biến thành một màn biểu diễn". Dù được nhiều người nể phục về tài diễn xuất cũng như đạo diễn, gọi là "thầy" nhưng Trần Đạo Minh vẫn luôn khiêm tốn, coi mình chỉ là một diễn viên bình thường.
Không đánh giá quá cao bản thân là một loại tu dưỡng, nhưng cũng là một loại trưởng thành về mặt tinh thần. Nếu đề cao bản thân, bạn sẽ chỉ bị người khác coi thường. Chỉ bằng cách gạt bỏ trái tim kiêu ngạo sang một bên và học cách nhìn nhận bản thân, mới không ngừng tiến bộ.
Có một câu nói: "Tôi nghĩ rằng người khác tôn trọng tôi vì tôi xuất sắc nhưng thực ra họ tôn trọng tôi vì chính họ mới là người xuất sắc". Trên đời này, người càng có năng lực thì thái độ của họ sẽ càng khiêm tốn.
Là con người, đừng đánh giá bản thân quá cao, thế giới này vắng một ai đó cũng không ảnh hưởng gì. Cũng đừng đánh giá bản thân quá thấp. Mỗi người đều có sứ mệnh riêng, đừng so sánh bản thân với người khác, hãy sống tốt cuộc đời của chính mình.
Hải Hiền (Theo aboluowang)
Theo tamlyhoctoipham.com