Một trong những tuyên bố nổi tiếng nhất từ trước đến nay chính là câu nói của Sartre, ‘Tha nhân là địa ngục[1]’’, thoạt nhìn có vẻ như khá chê trách vai trò của tha nhân trong đời sống chúng ta. Dù đúng là những người khác có thể gây ra nhiều đau lòng hơn bất cứ điều gì khác, nhưng ta cũng biết, từ trải nghiệm của bản thân cũng như từ vô số các nghiên cứu và khảo sát, rằng các mối quan hệ có thể mang đến ý nghĩa cho cuộc sống. Dường như, tha nhân là căn nguyên của những điều tốt đẹp nhất lẫn tồi tệ nhất trong cuộc sống.
Để giải quyết vấn đề có vẻ nghịch lý này, ta có thể bắt đầu từ việc nhìn nhận chi tiết hơn về câu cách ngôn nổi tiếng của Sartre. Câu nói đến từ vở kịch No Exit (Không Lối Thoát), ở đó ba nhân vật đã chết thấy mình ở dưới địa ngục. Nhưng thay vì những cuộc tra tấn và lửa bất diệt, sự đọa đày dành cho họ là bị nhốt cùng nhau trong một căn phòng, khiến cho nhau khổ sở mãi mãi.
Sartre giải thích ông không có ý ám chỉ rằng các mối quan hệ của chúng ta với người khác lúc nào cũng tồi tệ. Ông chỉ nói về một phương diện rất cụ thể mà tại đó chúng ta có thể biến cuộc sống của nhau trở thành địa ngục. Ông lập luận rằng sự tự nhận thức về bản thân chủ yếu dựa trên cái nhìn của người khác về ta, mà có khuynh hướng đặt ta vào trong những chiếc hộp nhất định: ‘anh ta thật bướng bỉnh’ hay ‘cô ấy rất tốt với mọi người.’ Điều này khiến chúng ta xem mình là những thực thể cố định, không thay đổi, thay vì là những sinh vật hoàn toàn tự do trong việc đưa ra lựa chọn và thực hiện thay đổi. Chúng ta đâm ra bị vây khốn trong cái nhìn của người khác, điều được chúng ta chủ quan hóa và do đó tự cầm tù chính mình. Vào cuối vở kịch của Sartre, cánh cửa mở ra nhưng các nhân vật lựa chọn không rời đi. Tuy nhiên, chúng ta có thể dũng cảm hơn thế và từ chối để bị định nghĩa theo cái nhìn của người khác về ta.
Vì những lý do khác nhau mà các nhà Khắc kỷ dường như cũng thất vọng về loài người. Cả Seneca và Marcus Aurelius đều cho rằng mỗi khi bắt đầu một ngày mới, chuẩn bị tinh thần trước việc thấy người khác thật khó chịu và bất hợp tác là một ý kiến hay. Chẳng hạn, Marcus khuyên rằng, ‘Khi anh thức dậy vào buổi sáng, hãy tự nhủ: Những người mà tôi đối mặt vào ngày hôm nay sẽ thích chõ mũi vào việc của người khác, vô ơn bạc nghĩa, ngạo mạn, bất lương, ganh ghét, và không thân thiện.’
Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ hơn ta sẽ thấy rằng các nhà Khắc kỷ thực sự vị tha. Seneca khuyên, nếu ta nhắc nhở bản thân rằng tất cả chúng ta đều hành xử tồi tệ thường xuyên hơn mức chúng ta muốn và sự khôn ngoan là thứ rất khó để đạt đến, thì ta sẽ nhận thấy ta có thể thấu hiểu những khuyết điểm và hành vi sai trái của người khác. Không tán thành với người khác có thể không phải là con đường dẫn đến sự khinh miệt mà là con đường dẫn tới sự cảm thông và đồng cảm. Nếu như tất cả chúng ta cùng ở trên một con thuyền, tất cả đều vô minh ở mức này hay mức khác, thì tốt hơn hết chúng ta nên chấp nhận những thiếu sót của mỗi người.
Ở một khía cạnh tích cực hơn, Aristotle đã viết rất chi tiết về philia, điều mà ông tin là một thành phần của cuộc sống tốt đẹp. Từ Hy Lạp này là nguồn gốc của hậu tố ‘-phile’ trong tiếng Anh, có nghĩa là người yêu thích một thứ gì đó, như là ‘Francophile’ (người thích nước Pháp) hay ‘technophile’ (người thích những công nghệ mới). Nó thường được dịch thành ‘tình bạn,’ nhưng thật ra nó bao hàm tất cả các mối quan hệ tích cực của con người – từ những mối quan hệ mà chúng ta có với những người thân trong gia đình và bạn bè cho tới xóm giềng và đồng nghiệp, những người chung phòng tập gym và cả người bán hàng ở địa phương ta sống. Đó là toàn bộ những người mà chúng ta có mối quan hệ tốt đẹp, theo cách này hay cách khác. Aristotle nói rằng trong mọi cộng đồng luôn có một số loại philia nào đó.
Thành phần cơ bản của philia là thiện chí với nhau, và từ các nhà Khắc kỷ mà chúng ta biết rằng ta có thể chọn chấp nhận điều này mà không cần phải ép mình vào một quan điểm lý tưởng hóa nào đó về nhân loại. Ta có thể đơn giản đối xử với mọi người với cùng một lòng trắc ẩn và cảm thông mà ta những muốn họ dành cho con người còn-lâu-mới-hoàn-hảo của ta. Như Marcus viết, ‘Để cảm thấy yêu mến người khác ngay cả khi họ phạm sai lầm là điều mà chỉ con người mới làm được.’
Đọc thêm:
Jean-Paul Sartre, No Exit (1944)
[1] https://phatgiao.org.vn/tha-nhan-la-dia-nguc-d45318.html?fbclid=IwAR0U1WRPtOfOAIhMdpGHbVB3l7Zk7GIEJZYoJKD2zWugQ-xotEleqRI9ocU
—------------
Bài dịch từ cuốn Life: A User’s Manual -- Philosophy for (Almost) Any Eventuality
(Hướng Dẫn Sử Dụng Dành Cho Cuộc Sống: Triết học dành cho hầu hết mọi tình huống)
Người dịch: Hương Đào
Theo tamlyhoctoipham.com