Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Viện Thần kinh Mỹ chỉ ra sự liên quan mật thiết của hormone gây căng thẳng cortisol với sự co rút của não và suy giảm trí nhớ ở người trung niên khỏe mạnh. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy tác động của căng thẳng (stress) tới phụ nữ mạnh mẽ hơn so với nam giới.
Nghiên cứu còn chỉ ra một điểm quan trọng: mặc dù căng thẳng tác động đến toàn bộ cơ thể bạn, bộ não lại là nơi chịu nhiều ảnh hưởng nhất.
Trong một cuộc khảo sát hàng năm của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, phụ nữ nhiều lần báo cáo mức độ stress cao hơn nam giới. Họ thậm chí xuất hiện nhiều triệu chứng liên quan đến thể chất và cảm xúc, bao gồm đau đầu, đau bụng, mệt mỏi, cáu kỉnh và buồn bã...
Một nghiên cứu đang được tiến hành bởi Viện Lão khoa của Đại học Wisconsin-Madison, phụ nữ ở độ tuổi trung niên dễ căng thẳng hơn cả nam giới và phụ nữ ở bất kỳ độ tuổi nào khác. Một nghiên cứu khác của Đại học California cho thấy, áp lực trong gia đình và công việc gần như làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 ở phụ nữ lớn tuổi. Phụ nữ cũng dễ gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần do căng thẳng như trầm cảm và rối loạn lo âu.
Có ba lý do gây ra điều này. Đầu tiên, bộ não của phụ nữ nhạy cảm hơn nam giới khi đối diện với các tác nhân gây căng thẳng và thiếu kiểm soát. Khu vực viền não của phụ nữ (kiểm soát cảm xúc và ký ức) hoạt động rất tích cực, khiến họ dễ dàng ghi nhớ những cơn đau. Ngoài ra, sự khó khăn trong việc buông bỏ cơn đau này sẽ củng cố mạch não về những cảm xúc tiêu cực.
Ngoài ra, nhu cầu về nuôi dạy con cái và đảm trách cuộc sống gia đình đặt lên vai phụ nữ nhiều đòi hỏi, khiến sự tập trung của phụ nữ có xu hướng rộng hơn.
Ảnh: Mitch Blunt
Bộ não không tập trung cũng là một nguyên nhân gây căng thẳng. Tiến sĩ y khoa Amit Sood, người sáng lập Mayo Clinic Resilience Program, nói: "Radar bảo vệ của người mẹ luôn hướng đến con cái, điều này khiến phụ nữ cảm nhận được mối đe dọa nhanh chóng hơn, nhạy bén hơn chồng mình".
Sự khác biệt về cách đàn ông và phụ nữ trải qua căng thẳng là lý do dẫn đến xung đột giữa hai giới. Các nhà nghiên cứu tại Trường Y - Đại học Yale đã phát hiện ra, khi một sự việc gây căng thẳng xảy ra, các bộ phận định hướng hành động và lập kế hoạch của bộ não nam giới tích cực tham gia, trong khi bộ não của phụ nữ bận rộn hình dung và cũng xử lý trải nghiệm về mặt nhận thức và cảm xúc.
Nghiên cứu cho thấy, khi đàn ông và phụ nữ cùng trải qua sự lo lắng, các vùng não hoạt động tích cực ở phụ nữ lại không hoạt động ở nam giới. Điều này cho thấy rằng phụ nữ có xu hướng bị cuốn vào việc xử lý căng thẳng, lặp đi lặp lại nó trong tâm trí và còn hình dung lại nó. Trong khi đó, đàn ông nhanh chóng suy nghĩ về việc làm điều gì đó thay vì bày tỏ sự đau khổ bằng lời nói. Điều này cũng có thể giải thích tại sao phụ nữ có xu hướng hỗ trợ tinh thần cho người bị căng thẳng, trong khi nam giới có xu hướng giúp đỡ bằng những thứ hữu hình như tiền bạc hoặc sự giúp đỡ về thể chất.
Căng thẳng ảnh hưởng đến não bộ nói chung như thế nào?
Amit Sood chỉ ra tác động của căng thẳng đến não bộ khiến chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc tiêu cực, mệt mỏi về tinh thần. Mặc dù bộ não của con người đã phát triển theo thời gian, tốc độ cuộc sống ngày nay (tác nhân chính gây căng thẳng) nhanh hơn khả năng thích ứng của bộ não. Điều đó có nghĩa chúng ta thường có quá ít thời gian và quá ít nguồn lực để giải quyết những vấn đề khiến bản thân mệt mỏi. Chính điều này làm giảm cảm giác kiểm soát cuộc sống của con người.
Các nghiên cứu cho thấy, nhận thức thiếu kiểm soát đã được chứng minh là một nguồn gây căng thẳng lớn. Sood mô tả một số cạm bẫy thường xuyên gài bẫy bộ não của chúng ta.
Các vấn đề về sự tập trung
80% thời gian, tâm trí con người lang thang, bị mắc kẹt trong trạng thái không tập trung, ngay cả khi chúng ta không nhận thức được điều đó. Các nghiên cứu đã phát hiện ra trạng thái này khiến chúng ta ít hạnh phúc hơn. Càng không hạnh phúc, sự chú ý của chúng ta càng lan man và suy nghĩ của chúng ta càng chồng chất.
Nỗi sợ
Sự tồn tại của chúng ta phụ thuộc vào khả năng của não (chủ yếu là hạch hạnh nhân) nhằm phát hiện các mối đe dọa về thể chất và cảm xúc. Những khoảnh khắc hoặc sự kiện gây ra nỗi sợ hãi làm tăng nhịp tim của chúng ta. Não bộ tiết ra các hormone củng cố những ký ức đó, điều này càng khiến bạn ghi nhớ chúng vào tâm trí. Kết quả là bạn càng thêm căng thẳng.
Mệt mỏi
Trong khi một số cơ quan trong cơ thể, ví dụ như tim và thận, có thể làm việc liên tục, não không phải là một trong số đó. Sau khi làm việc chăm chỉ, nó cần được nghỉ ngơi. Hoạt động càng nhàm chán cộng với cường độ cao, não của bạn càng mệt mỏi nhanh hơn.
Bạn hoàn toàn có thể cảm nhận được khi nào não của mình mệt mỏi, bởi khi đó, mắt trĩu xuống, bạn bắt đầu mắc lỗi, trở nên kém hiệu quả, suy sụp...
Đối phó thế nào với căng thẳng?
Kiểm soát căng thẳng và xoa dịu bộ não
Để kiểm soát căng thẳng, điều đầu tiên là nên ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc để cải thiện tâm trạng, cảm xúc và nhận thức.
Bạn cần cung cấp RUM - bao gồm Rest (nghỉ ngơi), Uplifting (Xoa dịu tâm trạng) và Motivation (Động lực) - cho não bộ. Điều này có thể bắt đầu bằng những hành động đơn giản như rời khỏi màn hình máy tính, dừng công việc đang làm, xem ảnh của con, đi đến nơi du lịch mình yêu thích, đọc những câu trích dẫn khơi cảm hứng, nhắn tin hoặc gọi điện cho người nhà...
Hãy kiểm soát bộ não của bạn trước khi nó bị tấn công bởi hàng loạt những mối quan tâm trong ngày. Cần chào buổi sáng trong một tâm trí vui vẻ, tập trung hơn.
Đối xử với bản thân bằng lòng trắc ẩn
Phụ nữ có xu hướng tự phê bình bản thân nhiều hơn trong việc không thể kiểm soát cảm xúc của mình. Do đó, cách tốt hơn là hãy tha thứ cho bản thân.
Học cách thương lượng trong xung đột là một bước tiến lớn trong việc giảm bớt áp lực. Bạn cũng cần tìm ra các chiến lược để đối phó với sự xao nhãng, sợ hãi và mệt mỏi mà não bộ tích tụ một cách tự nhiên.
Những điều này có thể giúp bạn giải tỏa căng thẳng, có được sức khỏe tốt hơn và tinh thần hạnh phúc hơn, cộng với một bộ não dẻo dai hơn.
Thùy Linh dịch
Nguồn: https://www.yahoo.com/now/stress-hits-women-brain-harder-155400017.html
Theo tamlyhoctoipham.com